Dữ liệu cá nhân và quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân trong thời đại số

Trong thời đại Công nghệ số, mọi dữ liệu đều được số hoá với số lượng ngày càng lớn, dẫn đến nguy cơ rò rỉ và đánh cắp dữ liệu cá nhân ngày càng cao. Tuy vậy không phải ai cũng hiểu rõ Dữ liệu cá nhân là gì, quyền và nghĩa vụ của mỗi cá nhân với dữ liệu cá nhân của mình, và liệu dữ liệu cá nhân của chúng ta có được pháp luật bảo vệ hay không. Hãy cùng iWay tìm hiểu nhé!

Ngày 17/4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2023/NĐ-CP quy định về “BẢO VỆ DỮ LIỆU CÁ NHÂN” đã quy định rõ như sau:

Theo Nghị định 13/2023/NĐ-CP, dữ liệu cá nhân là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự trên môi trường điện tử gắn liền với một con người cụ thể hoặc giúp xác định một con người cụ thể.

Xử lý dữ liệu cá nhân là một hoặc nhiều hoạt động tác động tới dữ liệu cá nhân, như: thu thập, ghi, phân tích, xác nhận, lưu trữ, chỉnh sửa, công khai, kết hợp, truy cập, truy xuất, thu hồi, mã hóa, giải mã, sao chép, chia sẻ, truyền đưa, cung cấp, chuyển giao, xóa, hủy dữ liệu cá nhân hoặc các hành động khác có liên quan.

Cũng trong Điều 9 của Nghị định này cũng quy định 11 quyền của chủ thể dữ liệu trong bảo vệ dữ liệu cá nhân như sau:

1. Quyền được biết: Chủ thể dữ liệu được biết về hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp luật có quy định khác.

2. Quyền đồng ý: Chủ thể dữ liệu được đồng ý hoặc không đồng ý cho phép xử lý dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp quy định tại Điều 17 Nghị định này.

3. Quyền truy cập: Chủ thể dữ liệu được truy cập để xem, chỉnh sửa hoặc yêu cầu chỉnh sửa dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp luật có quy định khác.

4. Quyền rút lại sự đồng ý: Chủ thể dữ liệu được quyền rút lại sự đồng ý của mình, trừ trường hợp luật có quy định khác.

5. Quyền xóa dữ liệu: Chủ thể dữ liệu được xóa hoặc yêu cầu xóa dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp luật có quy định khác.

6. Quyền hạn chế xử lý dữ liệu:

a) Chủ thể dữ liệu được yêu cầu hạn chế xử lý dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp luật có quy định khác;

b) Việc hạn chế xử lý dữ liệu được thực hiện trong 72 giờ sau khi có yêu cầu của chủ thể dữ liệu, với toàn bộ dữ liệu cá nhân mà chủ thể dữ liệu yêu cầu hạn chế, trừ trường hợp luật có quy định khác.

7. Quyền cung cấp dữ liệu: Chủ thể dữ liệu được yêu cầu Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân cung cấp cho bản thân dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp luật có quy định khác.

8. Quyền phản đối xử lý dữ liệu:

a) Chủ thể dữ liệu được phản đối Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân xử lý dữ liệu cá nhân của mình nhằm ngăn chặn hoặc hạn chế tiết lộ dữ liệu cá nhân hoặc sử dụng cho mục đích quảng cáo, tiếp thị, trừ trường hợp luật có quy định khác;

b) Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân thực hiện yêu cầu của chủ thể dữ liệu trong 72 giờ sau khi nhận được yêu cầu, trừ trường hợp luật có quy định khác.

9. Quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện: Chủ thể dữ liệu có quyền khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật.

10. Quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại: Chủ thể dữ liệu có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật khi xảy ra vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

11. Quyền tự bảo vệ: Chủ thể dữ liệu có quyền tự bảo vệ theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác có liên quan và Nghị định này, hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện các phương thức bảo vệ quyền dân sự theo quy định tại Điều 11 Bộ luật Dân sự.

Dữ liệu cá nhân là tài sản quý giá của mỗi cá nhân. Mỗi cá nhân cần nâng cao nhận thức về quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân và thực hiện các biện pháp để tự bảo vệ dữ liệu của mình. Các tổ chức thu thập và xử lý dữ liệu cá nhân cũng cần có trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân của khách hàng, đối tác.